Home NewsBí ẩn Nỗi oan của Cao Biền – Phần 1: Công lao của Cao Biền đối với An Nam

Nỗi oan của Cao Biền – Phần 1: Công lao của Cao Biền đối với An Nam

by khoinguyen
Loạt bài chi tiết về Cao Biền, một nhân vật khá nổi tiếng nhưng lâu nay vốn bị hiểu lầm. Phần đầu tiên sẽ là những ghi chép, phân tích về những việc mà Cao Biền đã làm được trong thời gian nhận lãnh trách nhiệm cai trị An Nam Đô hộ phủ.

Mùa xuân năm 2007, loạt ký sự có tựa đề “Thánh vật sông Tô Lịch” đăng tải liên tục trên ba số (từ số 13 – 15) của báo Bảo vệ pháp luật – cơ quan phát ngôn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam – đã gây chấn động cho độc giả toàn quốc. Loạt ký sự này nhắc đến một sự kiện xảy ra 6 năm trước đó, năm 2001, khi đội thi công bờ kè sông Tô Lịch, dòng sông cổ chạy dọc phía tây của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay, đã tìm thấy nhiều di tích và hiện vật “kỳ lạ”. Dưới lòng sông, họ đã phát hiện nhiều cọc gỗ được đóng theo một trật tự không rõ, những đống xương người lẫn xương động vật, nhiều mảnh vỡ bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, tiền cổ…

Tuy nhiên, điều gây sốc nhất cho độc giả là theo loạt bài này, sau khi tiếp tục cố tình thi công, một số công nhân và người thân của họ đã gặp rất nhiều tai nạn và bệnh tật, thậm chí có người đã chết tại hiện trường. Nhiều “nhà phong thủy” cho rằng đội thi công đã “phạm” phải “trận đồ Bát quái” của Cao Biền, nên bị “thánh vật”. Cái chết của Thích Viên Thành – thiền sư nổi tiếng trụ trì Chùa Hương – năm 2002 bị cho là do thiền sư đã thất bại trong việc lập đàn trấn yểm trận đồ của Cao Biền. Thậm chí, Trần Quốc Vượng – một trong “tứ trụ” của giới sử học Việt Nam – cũng bị lôi vào sự kiện này. Nhiều “nhà phong thủy” phỏng đoán, sự ra đi của ông năm 2005 vì bệnh ung thư cũng là do ông đã cả gan “động” vào trận đồ của Cao Biền khi mang một số hiện vật về nhà nghiên cứu…

Vậy Cao Biền là ai, Cao Biền có liên quan gì đến Việt Nam? Thực hư về câu chuyện trấn yểm của ông ta tới long mạch của đất Việt cụ thể như thế nào? Loạt bài viết này sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về con người này.

Ảnh phục dựng Điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long

THÂN THẾ CỦA CAO BIỀN

Cao Biền sinh năm 821, mất năm 887, tự Thiên Lý, tôn xưng Lạc điêu thị ngự; còn được gọi là Cao Thái úy hoặc Cao vương, là một tướng lĩnh triều Đường, một nhân vật chính trị, người đầu tiên trở thành Tiết độ sứ của trị sở Tĩnh Hải quân trong lịch sử Việt Nam.

Cao Biền là người U châu (nay thuộc Bắc Kinh). Ông là cháu nội của danh tướng Cao Sùng Văn, là người đã trấn áp cuộc nổi dậy của Lưu Tịch dưới triều đại của Đường Hiến Tông. Cha của Cao Biền là Cao Thừa Minh, từng giữ chức Thần Sách quân ngu hậu. Cao Biền xuất thân dòng dõi nhiều đời phục vụ trong Cấm quân, từng đảm nhận các chức Hữu Thần Sách quân Đô ngu hầu, Tần châu Thứ sử, An Nam Đô hộ. Mặc dù gia tộc của Cao Biền đã vài đời làm quan trong Cấm quân như vậy, song Cao Biền cũng chứng minh rằng bản thân là người giỏi văn chương. Sinh thời, ông thường bàn luận chuyện đạo lý với các bậc nho học, lại đối đãi với kẻ sĩ vô cùng hậu. Thơ ông tao nhã hoa lệ, được sách Toàn Đường thi biên tập thành một quyển. Có thể nói đây là một nhân vật văn võ song toàn hiếm thấy trên đời.

Tân Đường thư – Cao Biền truyện chép:

Cao Biền (高駢) tự Thiên Lý (千里), là cháu của Nam Bình quận vương Sùng Văn (崇文). Gia thế nối đời làm Cấm vệ, từ nhỏ đã rất mực lễ nghi nghiêm cẩn, lại ham chuộng văn học, giao du với các nho sĩ, hăng hái đàm luận đạo trị nước, người trong hai quân lại càng khen ngợi. Biền làm chức Tư mã dưới trướng Chu Thúc Minh (侏叔明). Một bận, có hai con chim cắt cùng bay, Biền nói: “Nếu sau này ta được quý hiển, thì sẽ bắn trúng.” Bèn bắn một mũi tên, liền trúng xuyên cả hai con cắt. Mọi người đều kinh ngạc, gọi là “Lạc điêu thị ngự”. Sau, Biền thăng làm Hữu Thần Sách quân Đô ngu hầu. Tộc Đảng Hạng làm phản, Biền đem một vạn cấm binh đóng giữ Trường Vũ. Khi ấy, các tướng đều không có công lao gì, duy có Biền mấy phen dùng kỳ binh, đánh giết được quân giặc rất nhiều. (Đường) Ý Tông khen ngợi, đổi ra đóng ở Tần Châu, rồi lập tức phong làm Thứ sử kiêm Phòng ngự sứ. Biền giữ hai châu Hà, Vị, dần định ải Phượng Lâm, thu hàng hơn vạn quân địch phương bắc.

Năm Hàm Thông thứ 5 (863), quân Nam Chiếu (tức nước Đại Lễ bấy giờ) đánh chiếm An Nam (lúc đó nằm dưới sự cai trị của nhà Đường). Năm Hàm Thông thứ 7 (865), Cao Biền phụng mệnh Đường Ý Tông tiến công, thu hồi lại được toàn bộ lãnh thổ An Nam từ tay Nam Chiếu. Nhờ công lao này mà vua Đường chính thức thăng Cao Biền làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, giao cho cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu. Sau khi nhậm chức, Cao Biền cho bồi đắp thêm các thành trì to và kiên cố hơn trước, mà trong đó nổi bật nhất chính là thành Đại La – nền móng của thủ đô Hà Nội nước Việt Nam hiện đại. Sau khi xây dựng và tu sửa thành trì, quân Nam Chiếu không còn dám tấn công An Nam nữa.

Cương thổ Đại Đường và các Đô hộ phủ xung quanh

Sau này, Cao Biền còn giữ chức Tiết độ sứ của năm trấn Thiên Bình, Tây Xuyên, Kinh Nam, Trấn Hải và Hoài Nam. Đương thời, ông đẩy lui quân Nam Chiếu xâm phạm Tây Xuyên, lại nhiều lần khiến quân khởi nghĩa của Hoàng Sào thua to, được Đường Ý Tông ban thêm chức Chư đạo Hành doanh binh mã đô thống, kiêm Giang Hoài diêm thiết chuyển vận sứ. Sau vì Đại tướng Trương Lân tử trận mà Cao Biền sợ hãi cố thủ không chịu xuất chiến, vì vậy Hoàng Sào có cơ hội thuận lợi vượt sông, khiến cả hai kinh là Lạc Dương và Trường An đều thất thủ. Vì thất bại này mà Cao Biền bị triều đình tước bỏ cả binh quyền lẫn lợi quyền, phong cho chức Thị trung chỉ mang tính chất “hư hàm” cùng tước Bột Hải Quận vương.

Về cuối đời, sau không ít thất bại quân sự to lớn khi giao tranh với quân Hoàng Sào, Cao Biền sa đà vào huyền thuật, lại tin dùng bọn thuật sĩ là Lã Dụng Chi và Trương Thủ Nhất, dẫn tới kết cục lòng quân ly tán. Đến năm Quang Khải thứ 3 (887), ông bị bộ tướng tướng Lưu Khuông Thì dưới trướng quân phiệt Tần Ngạn giết chết.

CÔNG LAO CỦA CAO BIỀN VỚI AN NAM BẤY GIỜ

Trong các bộ chính sử, thái độ của giới tinh hoa xứ An Nam về Cao Biền trong suốt thời phong kiến luôn là một cái nhìn kính trọng. Sở dĩ như vậy là bởi Cao Biền có công dẹp nạn Nam Chiếu, và ông cũng là một người cai trị tốt khi chẳng những không có bất kì ghi chép nào về những tội ác mà Cao Biền đã gây ra với An Nam, mà ngược lại còn được ghi nhận đã có tương đối nhiều đóng góp cho đời sống dân bản xứ.

Dẹp nạn Nam Chiếu

Về công lao dẹp nạn Nam Chiếu, chúng ta cần phải đi sâu vào tình hình khu vực Đông Nam Á bấy giờ.
Bước sang thế kỷ VIII, tại vùng Vân Nam nổi lên thế lực Nam Chiếu. Nam Chiếu cấu kết với thế lực Thổ Phồn, thường xuyên uy hiếp khu vực Thành Đô (nay là Tứ Xuyên) của nhà Đường, vốn đã bị suy yếu rất nhiều sau loạn An Sử (755 – 763). Từ giữa thế kỷ thứ VIII cho tới cuối thế kỷ thứ IX, Nam Chiếu là một cường quốc trong vùng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Không chỉ liên tiếp tiến công vào An Nam đô hộ phủ thuộc nhà Đường (846 – 866), quốc gia này còn liên tục gây sức ép quân sự lên Các thị quốc Pyu ở miền Trung Miến Điện bấy giờ, đánh tới tận Nam Miến Điện và Bắc Thái Lan đầu thế kỷ thứ IX, đồng thời cũng mở cuộc viễn chinh Chân Lạp đã tiến đánh tới tận bờ biển, Có thể nói đây là thời kỳ sức mạnh Nam Chiếu đạt đến đỉnh điểm.

Bản đồ Nam Chiếu

Trong khi đó, tại An Nam, các viên Đô hộ được nhà Đường cử sang như Lý Tượng Cổ, Lý Trác lại liên tục đưa ra nhiều chính sách sai lầm, gây bất mãn cho dân An Nam cũng như các bộ tộc sống ở khu vực miền núi phía bắc Đô hộ phủ. Chính vì vậy, các bộ tộc ở khu vực miền núi phía bắc đã dần ngả về phía Nam Chiếu, nhiều lần dẫn đường cho lực lượng Nam Chiếu xâm lược An Nam.

“Kỷ Hợi, [819], (Đường Nguyên Hòa năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, Đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

“Khi trước, An Nam Đô hộ Lý Trác làm việc tham bạo, mua ép trâu ngựa của người man, mỗi con chỉ trả một đấu muối, lại giết tù trưởng Đỗ Tồn Thành. Người man oán giận, dẫn Nam Chiếu vào cướp biên cảnh.”

– Việt kiệu thư –

Những ghi chép trong Man thư của Phàn Xước – một người sống ở thời ấy, vốn là liêu thuộc của Thái Tập, nhậm chức An Nam kinh lược sứ giai đoạn đó – cũng cho thấy được những hành động tàn độc của Lý Tượng Cổ và Lý Trác. Cuốn Man thư của ông thể hiện rõ sự căm phẫn với những Kinh lược sứ trước kia, những người đã cai trị An Nam một cách tàn bạo. Vào năm Hàm Thông thứ 3 (862), Nam Chiếu vương Thế Long đưa quân tiến đánh An Nam, lúc đó Kinh lược sứ Vương Khoan không thể kháng cự nổi, triều đình ban lệnh cho Quan sát sứ Hồ Nam là Thái Tập thay Vương Khoan làm Kinh lược sứ, cầm quân cự địch. Ngay lập tức Phàn Xước cùng theo Thái Tập nhậm chức. Để đối phó với Nam Chiếu, Thái Tập lệnh cho Phàn Xước tùy theo tình hình của Nam Chiếu, tiến hành điều tra, tìm hiểu, sưu tập được một khối tư liệu lớn về Nam Chiếu, đồng thời tham khảo các trước tác của những người đi trước làm cơ sở cho việc viết nên tác phẩm Man thư.

Vào năm Hàm Thông năm thứ 4 (863) quân Nam Chiếu tấn công đánh chiếm Giao Chỉ, Thái Tập chết trận, Phàn Xước đang ở trong thành lúc bị đánh chiếm có đem theo ấn tín, vội bơi qua sông Phú Lương (nay là sông Hồng), qua được kiếp nạn. Tháng 6, năm thứ 2, nhận lệnh làm đô đốc phủ trưởng sứ Quỳ Châu (nay là phía đông Phụng Tiết, Tứ Xuyên), một lần nữa khảo vấn tình hình để phụ chỉnh thêm ở phần cuối quyển X Man thư. Man thư ghi lại điều kiện địa lý tự nhiên, thành trấn, giao thông, cư dân, làng xóm, sản vật, đặc biệt là so sánh lịch sử, chính trị, kinh tế, quân sự Nam Chiếu cũng như sinh hoạt, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số phía Nam khác (chủ yếu nằm trong khu vực Vân Nam).

Rải rác trong tác phẩm của ông thể hiện rõ sự căm phẫn với nhiều Kinh lược sứ trước kia như Lý Tượng Cổ, Lý Trác… những người đã cai trị An Nam một cách tàn bạo. Ông cũng đề cao các Kinh lược sứ như Triệu Xương… những người đã làm tốt vai trò của một quan cai trị, mang đến đời sống ấm no, thanh bình cho người dân xứ nội thuộc. Qua đó, có thể nhận định rằng Man thư mang một cái nhìn tương đối phân minh và khách quan, chính xác.

“Tộc người Sùng Ma Man, cai quản vùng vùng rừng núi cao nguyên phía Tây An Nam rộng lớn đến mười hai ngày đường. Sống trong khe động, tục nuôi trâu ngựa. Gần đây đời sống khó khăn, Kinh lược sứ (Lý Trác) tám năm nay cai trị hà khắc tàn bạo, lệnh cho đem muối với vùng rừng núi cao nguyên phía Tây mua ngựa, mỗi đầu súc vật chỉ trả ép một xô muối, vì vậy cách tuyệt, không mang trâu ngựa đến nữa..”

– Phàn Xước, Man thư, Chương IV –

“Từ khi Lý Tượng Cổ nhậm chức An Nam Kinh lược sứ, tự ý tham nhũng và ra sức trưng binh. Kế tục là Lý Trác vơ vét bóc lột, làm phương hại đến tất thảy chúng sinh, thật là không phải cách hành xử của (con) người.”

– Phàn Xước, Man thư, Chương IX –

“Ý Tông, Hàm Thông nguyên niên [860], tháng Mười hai, thổ man An Nam dẫn quân Nam Chiếu họp hơn ba vạn người thừa khi sơ hở đến đánh Giao Chỉ, hãm được Đô hộ Lý Hộ cùng Giám quân chạy sang Vũ Châu.”

– Việt kiệu thư –

Vốn đã nhòm ngó An Nam như một vùng đất có nhiều tiềm năng khai thác, quân Nam Chiếu chỉ chờ quân đội sở tại suy yếu để có thể chiếm đoạt Đô hộ phủ này từ nhà Đường:

“Đến như quân Mán Nam Chiếu hàng năm vào cướp bóc, vượt sóng gió, qua hiểm trở tranh nhau với người Đường, cũng là tham cái lợi của nước ta giàu có đấy.”

– Ngô Thì Sĩ bình, Việt sử tiêu án, Ngoại thuộc Tùy và Đường –

Năm 863, quân Nam Chiếu nhờ nhiều điều kiện thuận lợi đã chiếm giữ thành công An Nam, giành quyền kiểm soát Đô hộ phủ. Cuộc tàn sát của Nam Chiếu đối với dân An Nam có thể nói là vô cùng thảm khốc:

“Quý Mùi, 863, (Đường Hàm Thông, năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, bắt giết gần 15 vạn người. [Khi rút lui] lưu lại 2 vạn quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu ta. Người Di Lão ở các khe động không cứ xa gần đều hàng phục cả. [Vua] Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ phủ [Giao Châu] ta.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

“Từ khi Lý Trác xâm phạm quấy nhiễu, khiến cho người Man [Nam Chiếu] gây họa đến gần 10 năm […]”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

Sự kiện này đã gây một chấn động không nhỏ cho triều đình nhà Đường, vốn vừa mới khôi phục sức mạnh chưa được bao lâu sau loạn An Sử. Và với những chiến công đã lập được trong các cuộc chiến với người Đảng Hạng và Thổ Phồn, Cao Biền được phong làm An Nam Chiêu thảo sứ, phụ trách việc tiến công lấy lại An Nam từ tay quân Nam Chiếu:

“Niên hiệu Hàm Thông, Hoàng đế muốn thu phục lại An Nam, phong Biền làm Đô hộ, vời về kinh sư, gặp mặt ở điện Linh Đài.”

– Tân Đường thư, Cao Biền truyện –

“Giáp Thân, 864, (Đường Hàm Thông, năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, vua Đường cho Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

Sang đến tháng 7 năm sau, Cao Biền tập trung quân đội ở trấn Hải Môn để chuẩn bị tiến vào An Nam:

“Năm Hàm Thông thứ 6 [865], mùa thu, tháng Bảy, Cao Biền luyện quân ở Hải Môn chưa tiến. Giám quân Lý Duy Chu ghét Biền, muốn tống đi, mấy lần giục Biền tiến quân. Biền đem năm ngàn người vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu phát binh ứng viện. Biền đi rồi, Duy Chu giữ số quân còn lại không cho một tên lính nào tiến theo.”

– Việt kiệu thư –

“Ất Dậu, [865], (Đường Hàm Thông năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn chưa tiến. Giám quân là Lý Duy Chu ghét Biền muốn tống đi, nhiều lần giục Biền tiến quân. Biền đem hơn 5.000 quân vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu đem quân ứng viện. Biền đi rồi, Duy Chu cầm quân còn lại không tiến phát.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

Cấm vệ quân nhà Đường, tranh của Jack Huang

Hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc rằng tại sao Cao Biền không vội tiến công, không sử dụng đường bộ mà phải đi vòng đường biển, tại sao không sử dụng thuyền lớn mà phải dùng thuyền nhỏ. Để hiểu được điều này, cần biết rằng cho đến thời Đường, để di chuyển từ vùng Quảng Tây vào An Nam, các đoàn người với số lượng lớn vẫn chủ yếu sử dụng tuyến đường thủy – Khâm Châu lộ và Liêm Châu lộ – đi dọc bờ biển Vịnh Bắc Bộ). Tuy nhiên, dọc tuyến đường thủy này có rất nhiều ghềnh và đá ngầm tự nhiên, gây rất nhiều khó khăn cho thuyền bè, đặc biệt là các thuyền “tào vận” vốn phải chuyên chở nặng nề. Do đó, có thể thấy được Cao Biền là một người biết tính toán khi lựa chọn phương thức và phương tiện di chuyển như vậy để có thể tiến công nhanh chóng, tạo ra các cuộc đột kích bất ngờ, nhất là khi ông lựa chọn thời gian tiến công là vào khoảng tháng 7-9, là thời gian thu hoạch của các vụ lúa mùa hè. Và kế hoạch của Cao Biền đã hết sức thành công:

“Tháng 9, Biền đến Nam Định, Phong Châu, quân Man gần 50.000 người đương gặt lúa, Biền ập đến đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt để nuôi quân.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

“Tháng Chín, Biền đến Nam Định (Nam Định ở đây không phải tỉnh Nam Định ngày nay mà là một huyện thời nhà Đường, ở phía nam sông Đuống, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh); gần năm vạn quân man ở Phong Châu đang gặt lúa trên đồng, Biền đổ tới đánh, đại phá được, thu lấy lúa để nuôi quân.”

– Việt kiệu thư –

Có thể nói, dựa vào quyết định táo bạo này mà Cao Biền đã thu được một khối lượng lớn lương thực, giải quyết được vấn đề hậu cần đường biển vốn rất khó khăn đối với quân Đường vào thời điểm đó, nhất là sau sự trở mặt bất ngờ của Duy Chu. Thừa thắng xông lên, Cao Biền liên tiếp đánh bại quân Nam Chiếu, tiến tới vây hãm thành An Nam:

“Năm Hàm Thông thứ 7 [866] [..] Giám trận sắc sứ Vi Trọng Tề đem bảy ngàn người đến Phong Châu. Cao Biền được tăng thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, đại phá được. […] Tháng ấy, Biền đại phá giặc man Nam Chiếu ở Giao Chỉ, giết và bắt được rất nhiều, bèn vây thành Giao Chỉ. Hơn mười ngày, giặc man nguy khốn lắm, thành bèn hạ được.”

– Việt kiệu thư –

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng các vết đạn găm sau lưng không đến từ kẻ địch mà tới từ phe mình. Các tin thắng trận của Cao Biền gửi về triều đình đều bị Lý Duy Chu giấu đi. Duy Chu xằng tấu rằng Cao Biền đóng ở Phong Châu không chịu tiến quân, khiến Đường Ý Tông vô cùng tức giận, quyết định lấy Vương Án Quyền thay thế vị trí của ông.

“Tấu báo tiệp đến Hải Môn, Lý Duy Chu đem giấu cả đi, mấy tháng không có tin tức gì. Hoàng thượng lấy làm lạ, hỏi Duy Chu, Duy Chu tâu Biền đóng quân ở Phong Châu, chỉ nhìn giặc không tiến. Vua tức giận, lấy Hữu vũ vệ tướng quân Vương Yến Quyền thay Biền trấn An Nam, triệu Biền đến cửa khuyết, định biếm phạt nặng.”

– Việt kiệu thư –

Một lần nữa trí tuệ táo bạo của Cao Biền được phát huy. Ông đã thực hiện một hành động không ai ngờ tới khi nhận được tin dữ:

“Vừa vặn nhận được văn thư của Vương Yến Quyền nói đã cùng Duy Chu đem đại quân xuất phát từ Hải Môn. Biền liền đem việc quân giao cho Vi Trọng Tề, rồi cùng hơn một trăm bộ hạ quay về bắc.”

– Việt kiệu thư –

Dễ thấy, hành động của Cao Biền là để đích thân trở về gặp vua Đường Ý Tông, qua đó giải nỗi oan đang gánh chịu. Nếu thực sự có việc bỏ trốn, hẳn phải có nhắc đến điều này trong các ghi chép. Qua đó ta có thể khẳng định rằng Cao Biền là một vị tướng không những mưu trí, mà còn vô cùng trung thành với triều đình, cụ thể ở đây là nhà Đường. Hành động đột ngột trở về phương Bắc cùng bộ hạ của ông xem chừng có phần nguy hiểm, nhưng lại thể hiện một sự tận tụy lớn lao. Tuy nhiên, việc này đã trở thành không còn cần thiết:

“Trước đó, Trọng Tề sai tiểu sứ là Vương Huệ Tán, Biền sai tiểu hiệu là Tăng Cổn về triều tấu tin thắng trận ở Giao Chỉ, ra đến giữa biển thì trông thấy tinh kỳ từ phía đông đi lại, hỏi những thuyền đi lại, họ nói: ‘Đó là thuyền của quan Kinh lược sứ và Giám quân mới.’ Hai người bàn nhau: ‘Duy Chu tất sẽ đoạt mất biểu tấu mà giữ chúng ta lại.’ Bèn ẩn trốn giữa những hòn đảo, đợi Duy Chu đi qua rồi lập tức phóng đến Kinh sư. Hoàng thượng được tin tấu báo, cả mừng, lập tức gia phong cho Biền làm Kiểm hiệu Công bộ Thượng thư, lại trấn giữ An Nam. Biền đến Hải Môn, lại quay trở lại.”

– Việt kiệu thư –

Như đã nói ở phần trên, Cao Biền đối xử với kẻ sĩ vô cùng hậu, nhờ đó mà ông có nhiều tâm phúc giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn. Và lần này, ông đã được đền đáp xứng đáng. Giải được nỗi oan, Cao Biền tiếp tục chỉ huy quân đội tiến đánh quân Nam Chiếu, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi.

“Biền đến nơi lại đốc thúc khích lệ tướng sĩ, đánh lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 3 vạn đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man dã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 1 vạn 7 nghìn.

Tháng 11, ngày Nhâm Tý, vua Đường xuống chiếu cho các lộ quân Giao Châu, Ung Châu, Tây Châu phải giữ bờ cõi, không tiến đánh nữa; đặt Tĩnh Hải quân ở Giao Châu, lấy Biền làm Tiết độ sứ. (Từ đây cho đến đời nhà Tống, An Nam gọi là Tĩnh Hải quân tiết trấn). Từ khi Lý Trác xâm phạm quấy nhiễu, khiến cho người Man [Nam Chiếu] gây họa đến gần 10 năm, đến đấy mới yên.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

Quân binh thời Đường

Như vậy là Cao Biền đã đánh bại được quân Nam Chiếu, giải cứu An Nam khỏi cái họa cướp giết tàn bạo của quân đội nước này. Đây chẳng phải là công lao mà Cao Biền đáng được ghi nhận sao? Các sử gia trung đại đều khen ngợi công lao này:

“Một Lý Trác tham bạo mà dẫn đến mười mấy năm bị tai họa người Man, huống chi lại có kẻ bạo ngược hơn cả Lý Trác nữa. Một Cao Biền đốc suất bộ thuộc mà chém được vài vạn quân giặc mạnh, huống chi lại có người giỏi hơn Cao Biền nữa! Cho nên Trác không thể bảo toàn được mình, mà Cao Biền thì giữ thành xưng vương, người khéo trị nước phải nên cẩn thận việc chọn người.”

– Lê Văn Hưu bình, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

“Cao Biền ở đất Giao Nam ta, đánh tan quân Nam Chiếu, cứu vớt nhân dân […] công ấy thực là lớn lắm.”

– Ngô Thì Sĩ bình, Đại Việt Sử ký Tiền biên, Ngoại kỷ, Kỷ nội thuộc Tùy Đường –

“Trương Chu dánh nước Chiêm Hoàn xây thành ở Hoan Châu, Ái Châu, Cao Biền nhiều lần đánh bại Nam Chiếu, bảo toàn An Nam, họ đều có công với đất nước ta mà Biền lại nhầm chức lâu hơn Chu. Nay trong nước, đàn bà, trẻ con đều biết nói rằng các quan thú mục tướng suý trước sau đều không bằng Cao Biền.”

Ngô Thì Sĩ bình, Đại Việt Sử ký Tiền biên, Ngoại kỷ, Kỷ nội thuộc Tùy Đường –

Xây dựng thành quách, khai thông đường xá
Sau khi đánh bại quân Nam Chiếu và tiếp quản cai trị xứ An Nam, Cao Biền còn có công xây dựng các công trình, hệ thống giao thông vận tải phục vụ quân đội và đời sống. Trong số đó, tiêu biểu nhất phải kể đến việc cho đắp La Thành:

“Cao Biền giữ phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian.”

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

“Biền đắp thành An Nam, chu vi ba ngàn bộ, dựng nhà hơn bốn mươi vạn gian. Biền thấy từ Nam Hải đến Giao Châu có đá ngầm ẩn dưới nước thường làm đắm những tàu lớn, bèn cho đục phá đá đi, thuyền bè của dân cư Giao, Quảng đi lại đều được bình an.”

– Việt kiệu thư –

Chẳng nói đâu xa, việc lựa chọn vị trí xây dựng La Thành của Cao Biền đã được chính vua Lý Thái Tổ ngợi khen hết lời.

“Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.”

– Lý Thái Tổ, Chiếu dời đô –

Và quả thực những lời khen ấy không hề là nói quá. Trong suốt cuộc đời của mình, Cao Biền đã cho xây tổng cộng 3 tòa La Thành ở An Nam, Thành Đô và Dương Châu. Gần đây, nhờ các nghiên cứu về tư liệu văn bản và khai quật khảo cổ học, diện mạo của ba tòa La Thành mà Cao Biền cho xây dựng tại An Nam, Thành Đô và Dương Châu đang dần dần được làm rõ. Những nghiên cứu đó cho thấy cách thức xây dựng của các tòa thành này có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như La Thành ở An Nam và Thành Đô cùng có kết cấu tường thành cao 2 trượng 6 thước. Cả ba tòa La Thành được bố trí ủng môn (ủng thành) – một lớp thành đắp bên ngoài để ngăn quân địch tấn công trực diện vào cổng chính.

Dưới sự chỉ đạo của Cao Biền, các công trình này đã có nhiều điểm sáng tạo, khắc phục được những nhược điểm của địa hình. Ví dụ như khi xây dựng La Thành ở Thành Đô, do đất Thục không tốt, Cao Biền đã sử dụng gạch ngói bó bên ngoài để làm chắc tường thành. Chân thành của Thành Đô và An Nam đều được thiết kế với chân thành rộng bằng tường thành (2 trượng 6 thước). Nó hoàn toàn khác biệt với tiêu chuẩn xây độ rộng chân thành chỉ bằng một nửa chiều cao tường thành, vốn rất phổ biến vào thời kỳ đó, cho thấy một kỹ thuật xây dựng rất độc đáo của riêng Cao Biền.

Trường An – kinh đô của nhà Đường

 

Với La Thành tại An Nam, Cao Biền đã khắc phục được nhược điểm đất đai trũng thấp dễ ngập úng, độ ẩm duy trì cao và thường xuyên có mưa lũ. Tại di tích La Thành của An Nam đã phát hiện được những cừ nước có kết cấu cột gỗ rất giống nhau, vừa để thoát nước, vừa để tận dụng làm các hào phòng thủ. Đây rất có thể chính là nguyên nhân tồn tại những cọc gỗ bị đồn thổi là vật trấn yểm trong cuộc khai quật năm 2001. Nên nhớ rằng, cách đây hơn 1 thiên niên kỷ, khu vực Hà Nội khi đó còn chủ yếu là các đầm lầy lớn với nhiều kênh rạch bị cắt xẻ, nên việc xây dựng hệ thống thoát nước cho thành là một ý tưởng phù hợp thời đại. Điều này được củng cố khi các cừ gỗ tương tự cũng được thấy ở di tích La Thành tại Dương Châu, nơi cũng có điều kiện tự nhiên gần giống với An Nam.

Nói tóm lại, địa thế của đất Hà Nội khi đó vô cùng phức tạp, khó khăn cho việc thi công công trình công cộng kể cả cỡ nhỏ và vừa, chứ đừng nói đến những công trình lớn. Thế nhưng, La Thành vẫn sừng sững tại đó, tạo nền móng cho các tòa thành Thăng Long lớn hơn về sau, giúp vùng đất trung tâm của Đồng bằng sông Hồng này giữ được vị trí thắng địa, trở thành thủ đô của nhiều triều đại liên tiếp trong lịch sử Việt Nam.

Ngoài La Thành, Cao Biền còn cho xây dựng hai tòa thành nhỏ là thành Nà Lữ và thành Phúc Hòa ở khu vực Cao Bằng:

“Thành Na Lữ, từ thời Cao hoàng đế nhà Lê chinh phạt Bế Khắc Thiệu đã đóng quân ở đây, sau dựng đền thờ giao cho dân trong phường quét dọn. Cho hai thành Na Lữ, Phúc Hoà mở đầu từ thời Đường ý Tông năm Giáp thân niên hiệu Hàm Thông thứ 5(864). Nhà Đường mệnh cho Kiêu vệ tướng quân Cao Biền làm Đô hộ An Nam kiêm chức Tổng quản Kinh lược chiêu thảo sứ, năm Bính tuất niên hiệu Hàm Thông thứ 7 (866), nhà Đường ban cho Biền chức Tĩnh hải quân Tiết trấn, kiêm Chư đạo hành doanh Chiêu thảo sứ. Tháng 11 cho xây thành Đại La (nay là Bắc Thành), lại lệnh cho xây hai thành Na Lữ, Phúc Hoà. Dựa vào ghi chép của các phụ lão, lại điều tra núi đất gần thành Phúc Hoà có nhiều mộ cổ, có gạch xây, có đá làm bia ghi quê quán địa chỉ, tên họ có ghi hiệu Hàm Thông đặt trên mộ. Mộ cổ ấy là của những người phu dịch xây thành chết ở đây, thế nên hai thành ấy là xây từ thời Đường.”

Nguyễn Hựu Cung, Cao Bằng Thực lục –

Theo đó, các tòa thành ở Cao Bằng có lẽ được xây dựng để ngăn chặn sự xâm nhập của quân đội Nam Chiếu từ phía Tây Bắc vào An Nam. Đây có thể xem như một chiến lược quy hoạch bài bản của Cao Biền, điều mà có thể các quan cai trị phương Bắc khác trong lịch sử không tính tới hoặc không thực hiện. Điều này chứng tỏ rằng Cao Biền là một người cai trị thực sự biết nghĩ tới an sinh của xứ sở mà mình quản lý, không phải dạng tham quan vơ vét cho đầy túi hay chỉ biết sa vào ăn chơi hưởng lạc.

Bản đồ lãnh thổ Tĩnh Hải quân

 

Ngoài ra, đến tận thời Minh, vẫn còn dấu tích về một tòa thành do Cao Biền khởi công tại núi Kim Ngưu (nay là Trâu Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh):

“Núi Kim Ngưu, thuộc tỉnh Vũ Ninh, có đá sắc đỏ ánh kim, ban đêm phát sáng. Tương truyền Cao Biền tính xây một thành ở nơi này. Đang đào núi, khơi sông, bỗng thấy từ đâu một con trâu vàng chạy qua rồi đứng đó.”

– An Nam Chí, Quyển I, Sông và núi –

Kế đó, Cao Biền còn cho sửa sang hệ thống kênh rạch, phục vụ giao thông vận tải:

“Đinh Hợi, [867], (Đường Hàm Thông năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, Cao Biền đi tuần thị đến hai châu Ung, Quảng thấy đường biển có nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, vận chở không thông, bèn sai bọn Nhiếp trưởng sử Lâm Phúng, Hồ Nam tướng quân Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thủy thủ hơn nghìn người đến đục đá khai đường, bảo rằng: ‘Đạo trời giúp người thuận, thần linh phù kẻ ngay. Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó. Các đô hộ thời trước không khao thưởng quân sĩ, giữ phép không vững, làm sai lời hứa, trái ước hẹn, mưu lợi riêng, cho nên mọi người đều trễ biếng. Nay ta không như thế, chỉ cốt làm cho xong việc của nhà vua mà thôi’.[…] Kênh bèn đào xong, vì thế gọi là kênh Thiên Uy.

– Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

Có thể thấy, là một người đã phải sau khi đã trực tiếp trải nghiệm sự nguy hiểm của các bãi đá ngầm khi vượt biển tiến vào An Nam, cho nên ngay khi nắm quyền, Cao Biền đã cho người phá hủy các đá bãi ngầm gây ảnh hưởng tới giao thông đường thủy này. Đây là một hành động tốt đáng ghi nhận từ một vị quan cầm quyền, dù ông ấy có là người phương Bắc, phụng mệnh thiên triều tới đô hộ An Nam đi nữa.
Cùng với sơn thành ở núi Kim Ngưu, Cao Biền cũng cho đào hồ Kim Ngưu ở huyện Tế Giang (nay là Văn Giang, Hưng Yên).

“Hồ Kim Ngưu nằm ở huyện Tế Giang. Trước có con trâu vàng từ tỉnh Vũ Ninh chạy đến đứng ở chỗ này, quan nhà Đường là Cao Biền phái người đến đào đất ở đó, làm thành một cái hồ.”

– An Nam chí, Quyển I, Sông và núi –

Hồ Kim Ngưu này, theo học giả Phạm Lê Huy nhận định thì có liên quan đến sông Kim Ngưu và đường cừ thoát nước phía Nam của thành Đại La. Theo nhận định này, hồ có đường thông với hệ thống sông ngòi bấy giờ. Tuy nhiên, dựa trên nhận định này, ta cũng có thể đặt ra giả thuyết rằng hồ là một trong những khu vực đồn trú cho thủy quân nhằm bảo vệ một khu vực nào đó gần với sông Kim Ngưu. Đất An Nam vốn có điều kiện phát triển mạnh về thủy binh nhờ nhiều sông ngòi, kênh rạch. Trong khi đó, các kẻ địch phía Nam của nước ta như Champa hay các triều đại Trung Quốc về sau thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công qua đường thủy. Cho nên, việc tạo các hồ, cảng nhân tạo để đồn trú thủy quân cũng là một khả năng khả dĩ. Tất nhiên, chúng ta không thể chắc chắn về bất kì điều nào trong số đó, nhưng có thể khẳng định rằng hồ Kim Ngưu đã mang lại lợi ích cho người dân sống xung quanh theo nhiều cách khác nhau, từ lấy nước sinh hoạt, tưới tiêu, khai thác thủy sản cho đến vận chuyển đường thủy.

Tổng kết lại, chúng ta không thể phủ nhận rằng, các công trình này đều mang mục đích giúp củng cố lại khả năng quân sự và liên lạc của giai cấp cai trị, cụ thể là nhà Đường. Nhưng những lợi ích mang lại cho người dân An Nam là không thể chối cãi. Việc này của Cao Biền cũng như khi ông bắn hạ 2 con chim bằng 1 mũi tên để được tôn xưng là Lạc Điêu thị ngự vậy: đều là một công đôi việc. Miễn là tốt cho mọi người, thì nó nên được đánh giá cao. Việc này cũng được các sử gia trung đại không tiếc lời ngợi ca:

“Việc Cao Biền đào kênh sao mà kỳ dị thế? Đó là việc làm hợp lẽ, cho nên được trời giúp. Trời là lẽ phải. Đất có chỗ hiểm, chỗ bằng, đó là lẽ thường. Sức người có thể vượt hiểm được, đó cũng là lẽ thường. Nếu hiểm mà không vượt được thì trời phải nhờ đến tay người làm gì? Vua Vũ trị thủy, nếu không hợp lẽ thì trời do đâu mà tác thành được? Đất do đâu mà bằng phẳng được? Công hiệu đến mức rùa sông Lạc hiện điềm lành, thế không phải là trời giúp ư? Xem như lời của Biền nói: ‘Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu không theo lòng riêng thì có gì khó’. Lòng thành phát ra từ lời nói, thì lời nói ấy há chẳng là thuận ư? Lòng tinh thành thực cảm thông đến cả vàng đá, huống nữa là trời? Việc gì trời đã giúp sức là thuận. Kinh Dịch nói: ‘Giữ điều tín mà nghĩ điều thuận, thì trời sẽ giúp cho, đều tốt cả, không có điều gì bất lợi’. Thế thì việc sét đánh đá lớn để giúp chẳng có gì là lạ cả.”

– Ngô Sĩ Liên bình, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ thuộc Tùy Đường –

“Cao Biền ở đất Giao Nam ta […] một thời xây đắp La Thành làm vững đô ấp mãi mãi, công ấy thực là lớn lắm. Còn như khai thông đường vận chuyển, đặt nhà trạm sứ, tất cả những việc ấy đều là theo phép công mà làm, không có một chút lợi riêng. Tinh thần chí khí khi ấy có thể cảm kích được quỷ thần trở thành linh ứng. Sét đánh tan đá thực là trời giúp đề biểu dương sự siêng năng của ông. Thời Ngũ Đại, Vương Thẩm Tri ở đất Mân, người buôn bản của Man Di qua lại trên biển bị ngăn trở ở Hoàng Kỳ, một đêm sét đánh mở ra thành cảng. Người Mân quy cho là nhờ đức độ của Thẩm Tri cảm thấu đến trời, nên mới gọi là cảng Cam Đường. Việc của Biền thực giống việc này.”

– Ngô Thì Sĩ bình, Đại Việt Sử ký Tiền biên, Ngoại kỷ, Kỷ nội thuộc Tùy Đường –

KẾT

Chính nhờ những công lao như vậy, Cao Biền được các triều đại phong kiến An Nam coi là có công với dân Việt. Nên giống như Sĩ Nhiếp (Sĩ Vương), ông cũng được tôn kính là Cao Vương, dù cả hai ông đều chỉ là quan châu quận, phụng mệnh sang cai trị nước ta mà thôi. Xin được mượn lời cảm thán của Phan Huy Chú để nêu lên khẳng định cho phần này:
“Về sau cuối đời Đường có Cao Biền sang cai trị, đánh phá nước Nam Chiếu, đắp thành Đại La, xẻ cảng, khơi ngòi, làm lợi cho một thời. Công nghiệp tốt ấy đời sau hãy còn khen ngợi!”

Như vậy, ta có thể thấy rằng trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Cao Biền thực sự là một Tiết độ sứ có tài và có tâm. Ông không những đã cầm quân đánh dẹp Nam Chiếu, lấy lại bình yên cho dân cư thuộc An Nam Đô hộ phủ, mà khi cai trị, cũng làm nhiều việc có lợi cho người dân. Tìm trong sử liệu, ta không thấy có đoạn nào chép chuyện gì xấu xa hay tàn ác của Cao Biền khi cai trị An Nam lúc đó cả. Những việc mà ông đã làm, các sử gia đều không tiếc lời khen ngợi. Thế nhưng ngày nay, nhắc tới Cao Biền, đa phần mọi người lại chỉ nhớ tới cái chuyện nhuốm màu sắc thần bí là “trấn yểm long mạch”, còn bao nhiêu công lao của ông, dường như đều bỏ qua hết; có chăng chỉ nhớ là Cao Biền cho xây thành Đại La mà thôi. Xét như vậy thật là không công bằng cho Cao Biền.

Nhưng từ đâu mà sinh ra những câu chuyện truyền miệng liên quan tới việc “Cao Biền trấn yểm long mạch nước Nam”? Chuyện ấy có thực hay không? Để giải đáp mấy câu hỏi này, xin bạn đọc hãy chờ đến phần tiếp theo.

 

Có hẳn một trang wikipedia về loạt bài báo liên quan tới câu chuyện trấn yểm sông Tô Lịch

Nguồn: spiderum.com

NỖI OAN CỦA CAO BIỀN – PHẦN 2: THỰC HƯ VỀ CHUYỆN “CAO BIỀN TRẤN YỂM NƯỚC NAM”

You may also like

Leave a Comment