Bằng sự say mê nghiên cứu hóa học, Johann Böttger từ một nhà giả kim thuật “quèn” đã thay đổi cả thế giới với sáng chế của mình.
Giả kim thuật là một trong những nghề nghiệp phổ biến nhất trong xã hội phương Tây xưa. Với ước mơ biến các kim loại rẻ tiền thành vàng khối, không ít người đã lao tâm khổ tứ, dành cả cuộc đời để nghiên cứu với các thí nghiệm hóa học thô sơ.
Phần lớn trong số đó đều thất bại bởi vàng không thể chế ra từ các vật liệu khác. Tuy nhiên, cũng có một số ít người may mắn thay vì tạo ra được vàng lại có được những phát minh khác. Nhà giả kim thuật Johann Böttger là một người như vậy khi phát minh ra cách làm gốm sứ – thứ vật chất quý hơn vàng vào thời đó…
Tương lai đầy hứa hẹn của nhà “giả kim thuật” tí hon
Johann Böttger (1682 – 1719) có một tuổi thơ khá êm đềm. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn tại Berlin, Đức. Böttger từ nhỏ đã rất sáng dạ và đam mê với hóa học. Vì thế khi lớn lên ông bắt đầu theo học ngành dược sĩ.
Năm 19 tuổi, với niềm say mê vô tận, ông đã bắt đầu bí mật đi sâu vào nghiên cứu những lĩnh vực thú vị hơn ngành học của mình rất nhiều. Böttger dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu với đủ thể loại hóa chất dù có bị gia đình và nhà trường cấm đoán.
Mục tiêu cả đời của ông chỉ có một – chính là biến chì hoặc các kim loại không đáng giá khác thành vàng. Với nhiều kinh nghiệm thu được, ông đã dần thuyết phục được hàng xóm gần nhà rằng mình đã thành công.
… bước ngoặt của cuộc đời…
Sau đó, chàng thiếu niên Böttger quyết định tổ chức một buổi biểu diễn đường phố. Ông tập hợp đám đông xung quanh rồi vẫy những mảnh bạc cho họ xem.
Với vài kĩ năng giả kim cùng những phương pháp xử lý hóa học, ông đã biến đổi những mảnh bạc ấy thành một mảnh kim loại màu vàng duy nhất.
Böttger đã thuyết phục hoàn toàn đám đông và câu chuyện này truyền đến tai August – đại cử tri bang Saxony và là vua của Ba Lan không lâu sau đó.
August lúc đó đang ngập chìm trong nợ nần, nhanh chóng tìm đến Böttger. Nhà vua yêu cầu Böttger sản xuất ra vàng và chàng thiếu niên đã nhận lời sẽ hoàn thành chỉ trong vòng vài tuần.
Thế nhưng, thời gian cứ thế trôi qua và vẫn không có kết quả nào. August bắt đầu mất bình tĩnh và cuối cùng tống Böttger vào ngục với tối hậu thư : “Hoặc tạo ra vàng, hoặc phải chết”.
… phát minh thay đổi thế giới phương Tây…
Böttger bị giam suốt 7 năm ròng rã. Trong khoảng thời gian đó, ông đã gặp Ehrenfried Walther von Tschirnhaus cũng là một giả kim thuật sư kiêm nhà toán học.
Tschirnhaus không muốn chế tạo vàng mà lại hứng thú hơn với việc tạo ra sứ – loại vật chất được coi là còn quý hơn cả vàng thời đó. Bởi lẽ vàng có thể tìm thấy ở mọi nơi, nhưng vào thời đó, sứ chỉ có ở phương Đông và người Trung Hoa kiên quyết giữ bí mật sản xuất của họ.
Nhờ có Tschirnhaus, Böttger biết được rằng cao lanh (đất sét trắng) có một lượng nhất định trong sứ. Đó là thành phần chính, vậy còn những nhân tố khác thì sao?
Trầm tích của cao lanh được tìm thấy ở dãy núi Alps, vì thế Böttger đã bắt tay ngay vào thí nghiệm với những công thức khác nhau mong chế tạo được ra gốm sứ.
Bước đột phá đến vào ngày 15/1/1708. Trong khi thử nghiệm các tỉ lệ giữa cao lanh và thạch cao, Böttger đã tìm ra ba tỉ lệ đồng nhất với thông số thu được từ một mảnh sứ có sẵn.
Sau đó, Böttger cùng đồng nghiệp tiếp tục miệt mài nghiên cứu. Không lâu sau, ông đã tìm được công thức cuối cùng để sản xuất sứ, bên cạnh đó còn cả nhiệt độ cần thiết của lò nung và cách tráng men các bình sứ.
Sau bảy năm nghiên cứu cực khổ, ông đã tạo ra vật chất quý hơn vàng. Nhà vua vì thế đã tài trợ cho ông để mở xưởng nung sứ đầu tiên ở châu Âu, đặt tại Meissen.
Böttger được tuyên bố tự do, nhưng nhà vua lo sợ việc lộ công thức sản xuất nên ông và cả những công nhân ở xưởng đều gần như bị giam lỏng.
Böttger mất năm 1719 nhưng những thí nghiệm vẫn được tiếp tục. Cuối cùng đến năm 1724, xưởng Meissen đã tìm ra được công thức hiệu quả như dùng thạch anh thay thế cho thạch cao. Công thức này vẫn được áp dụng cho tới tận ngày nay.
Việc phát minh ra cách sản xuất gốm sứ của Johann Böttger khi đó đã thay đổi cả châu Âu. Thành công của ông giúp châu Âu không còn quá phụ thuộc vào nguồn cung gốm sứ từ Trung Hoa nữa.
Đồng thời, phát minh này cũng mở ra cuộc đua để tranh giành những mảnh đất màu mỡ chứa cao lanh và các khoáng chất cần thiết khác ở khắp nơi.
(Nguồn: Io9, Wikipedia, Getty, Pottery)